Trung - Mỹ đại chiến truyền hình tại Đông Nam Á: Khi Netflix phải đối đầu Baidu và Tencent để chiếm sóng người xem

Đông Nam Á đang trở thành thị trường trọng điểm của ngành truyền hình Trung Quốc, qua đó cố gắng “hất cẳng” những người chơi Phương Tây như Netflix.

Phần lớn khán giả Phương Tây có lẽ chẳng biết Xiao Zhan (Tiêu Chiến) là ai cũng như bộ phim “the Untamed” (Trần Tình Lệnh) là tác phẩm gì. Thế nhưng tờ Rest of World cho hay ở Đông Nam Á, diễn viên này lại có một lượng người hâm mộ đông đảo, thậm chí thành lập hẳn một nhóm mang tên XFX để cổ vũ Tiêu Chiến.

Tại Philippines, những người hâm mộ Tiêu Chiến có hẳn một cộng đồng Facebook với 20.000 thành viên. Tại Indonesia, nhóm này còn bán hẳn những chiếc áo phông in hình biểu tượng của cộng đồng mình trên Tokopedia. Tại Thái Lan, phim “Duoluo Continent” (Đấu La Đại Lục) của diễn viên này đang chiếm tỷ lệ xem cao nhất.

Sự bành trướng của phim truyền hình Trung Quốc và những diễn viên như Tiêu Chiến đã tạo nên một làn sóng ảnh hưởng của văn hóa nước này. Trên Tiktok Thái Lan, video về một người bán salad ven đường học tiếng Trung thông qua xem phim truyền hình đã được chia sẻ mạnh mẽ.

Trên thực tế, độ nổi tiếng của Tiêu Chiến phản ánh rõ tốc độ lan nhanh của dịch vụ streaming và truyền hình đến từ Trung Quốc tại Đông nam Á, nơi được dự báo thị trường truyền hình sẽ đạt 1,32 tỷ USD trong năm nay.

Đây là một tin tức chẳng mấy vui vẻ gì cho những người chơi Phương Tây như Netflix vốn đang thống trị thị trường Đông Nam Á.

Khốc liệt

Từ lâu, thị trường truyền hình Đông Nam Á đã là mảnh đất béo bở cho các nhà làm phim Phương Tây. Với ngân sách dồi dào, ý tưởng đa dạng và một ngành điện ảnh phát triển, những hãng như Netflix đã nhanh chóng thống trị mảng truyền hình và dịch vụ streaming tại Singapore, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia với khoảng 42% tổng thời xem truyền hình của người dân khu vực.

Trong khi đó, Disney+ cũng tăng trưởng nhanh chóng khi có thêm tới 9,4 triệu người đăng ký tại Đông Nam Á trong 3 tháng đầu năm nay.

Thế nhưng một thực tế rõ ràng là kể từ năm 2019, các doanh nghiệp Trung Quốc như iQiyi của Baidu, WeTV của Tencent đã gia tăng tầm ảnh hưởng tại Đông Nam Á. Ngoài sự tương đồng khá lớn về văn hóa và thị hiếu giải trí, các công ty Trung Quốc ngày càng bành trướng thị phần ở Đông Nam Á còn là nhờ giá đăng ký rẻ hơn, hợp tác hoặc thu mua những đối thủ địa phương, đồng thời biết khéo léo chọn đúng những tác phẩm hợp xu hướng từng thị trường.

Tờ Global Times, một trong những hãng truyền thông được hậu thuẫn của chính phủ Trung Quốc cho biết Đông Nam Á là một trong những thị trường trọng điểm của ngành truyền hình Trung Quốc.

“Chúng tôi đang bùng nổ mạnh tại hàng loạt các thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Singapore”, giám đốc Yang Xianghua của iQiyi nhận định vào năm 2021.

Ví dụ như tại Thái Lan, cuộc đua chiếm sóng người xem đang cực kỳ khốc liệt khi Netflix chiếm 24% thị phần nhưng WeTV của Tencent cũng bám sát sau đó với 22%.

Một trong những ưu điểm lớn nhất của các nền tảng truyền hình Trung Quốc là giá rẻ, chiến lược thường thấy của doanh nghiệp nước này trong mọi mảng, từ thương mại điện tử (Temu) cho đến thời trang (Shein).

 

Tại Indonesia, khoảng 40% người đăng ký các nền tảng phim truyền hình là người có thu nhập thấp đến trung lưu, khiến giá đăng ký dịch vụ trở thành yếu tố quan trọng cho cuộc chiến này.

Trong số các nền tảng nước ngoài ở Indonesia thì iQiyi hiện đang có giá đăng ký thấp nhất với chỉ 0,67 USD/tháng, thấp hơn nhiều so với 4,42 USD/tháng của Netflix. Chính mức giá kém cạnh tranh này đã khiến lượng người đăng ký mới của Netflix trong quý I/2023 ít hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, các nền tảng Trung Quốc còn tăng cường nhận diện thương hiệu ở Đông Nam Á thông qua sáp nhập, cộng tác với đối thủ địa phương. Ví dụ năm 2020, Tencent đã mua lại nền tảng streaming Iflix tại Malaysia. Cùng năm đó, iQiyi cộng tác với đài truyền hình Astro cùng thị trường. Đến năm 2021, iQiyi trở thành nền tảng streaming được tải nhiều nhất trên thị trường này.

Nhạy cảm

Vốn hiểu được thị hiếu địa phương nên các nền tảng Trung Quốc rất biết cách sáng tạo nên những tác phẩm phù hợp văn hóa, ví dụ những video ngắn bằng tiếng bản địa hoặc đi kèm thuyết minh, chủ yếu nhắm đến dạng clip ngắn như trên Tiktok nhưng dài tập.

Năm 2022, WeTV đã cho ra mắt hơn 40 tác phẩm địa phương tại Đông Nam Á. Ví dụ ở Indonesia, bộ phim truyền hình dài tập “My Lecturer My Husband” hay tại Thái Lan, bộ phim “The Wife” đều lấy được những thành công vang dội vì kịch bản thu hút người xem.

Trong 3 tháng đầu năm nay, có đến 46% số người xem các nền tảng truyền hình lựa chọn tác phẩm nội địa.

Trái lại, các nền tảng Phương Tây như Netflix lại gặp khá nhiều khó khăn khi hòa nhập với văn hóa địa phương. Trong phần lớn các tác phẩm của họ đều bị ảnh hưởng ít nhiều từ văn hóa Phương Tây, đôi khi gây phản cảm hoặc vi phạm các quy định về đạo đức, tôn giáo ở Đông Nam Á.

Chính điều này đã khiến nhiều tác phẩm của Netflix bị hạn chế hoặc bị kiểm duyệt cắt bỏ. Văn hóa tự do ngôn luận của Mỹ được cho là không phù hợp ở một số nước có văn hóa tôn giáo nghiêm ngặt.

Trong khoảng 2016-2021, Netflix đã chặn ít nhất 10 tác phẩm, không được trình chiếu ở Đông Nam Á, đồng thời cắt bỏ nhiều phân cảnh hay nội dung bị cho là nhạy cảm.

Với các nền tảng Trung Quốc, những tác phẩm của họ thường đã tuân thủ các quy trình kiểm duyệt vì đã quá quen với điều này, qua đó không chịu nhiều ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Tất nhiên một số nội dung liên quan đến đồng tính vẫn bị kiểm duyệt khá gắt gao.

Bài viết khác